Khi túi tiền không quá rủng rỉnh thì bạn thường cân nhắc đến việc mua ô tô cũ. Mua xe đã qua sử dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cần kiểm tra kỹ các thông tin để tránh bị “hớ”.
Tìm hiểu kỹ “lý lịch” chiếc xe
Dựa theo các tiêu chí như kiểu xe, hãng sản xuất, năm sản xuất và giá cả để chọn chiếc ô tô cũ phù hợp. Khi đã ưng ý, đọc thêm những bài đánh giá của chuyên gia về dòng xe đó. Cập nhật tin tức về những chiếc xe mới, bởi khi có một mẫu xe mới ra mắt thì mẫu xe tiền nhiệm sẽ giảm giá, hãy chọn thời điểm thích hợp.
Có thể tìm đến các trung tâm xe đã qua sử dụng chính hãng để yên tâm hơn về mẫu xe lựa chọn cùng chính sách bảo hành. Tuy nhiên giá bán tại đây thường cao hơn. Nếu mua lại xe cá nhân, đừng ngại đặt những câu hỏi về tuổi đời của chiếc xe, lý do bán xe, xe đã từng gặp tai nạn hay chưa, hiện trạng của chiếc xe ra sao?
Kiểm tra ngoại thất
Kiểm tra chi tiết ngoại thất giúp nắm bắt tình trạng thực tế của xe: đã bị va chạm chưa, chất lượng sơn thế nào. Đối với các xe đã xảy ra va chạm thì lớp sơn có hiện tượng xước dài ở một khu vực hay bong tróc. Lưu ý thêm, một số trường hợp xe cũ được sơn lại.
Trường hợp xe ô tô cũ bị va chạm nặng, việc phục hồi phải tiến hành tháo rời từng bộ phận để sơn, gò. Khi được ráp lại dễ xuất hiện những khe hở.
- Kính xe: có bị xước, nứt hay bị thay mới hay không. Nếu phần kính lái bị thay thế thì năm sản xuất sẽ không đồng bộ hoặc thậm chí sử dụng kính không chính hãng.
- Kiểm tra bánh trước và bánh sau có thẳng hàng không. Nếu không thì có thể chiếc xe đã gặp tai nạn khiến khung gầm bị biến dạng.
- Kiểm tra khoảng cách giữa các phần nối tiếp trên thân xe có đều hay không. Nếu không thì có thể chiếc xe đã gặp tai nạn và được “tút” lại.
“Soi” kỹ nội thất
Kiểm tra kỹ nội thất xe gồm vô lăng, tay mở cửa, sàn xe, bọc ghế, trần xe hay ốp cửa. Ngoài ra, cần quan tâm tới hệ thống điều hòa, kính chỉnh điện, cần gạt, chỉnh ghế, màn hình xe. Kiểm tra dây an toàn, vô lăng, bảng điều khiền và các phím chức năng.
Kiểm tra công tơ mét có bị tua lại không. Thông qua màn hình hiển thị, kiểm tra lịch sử bảo dưỡng để đối chiếu số km hiển thị với tình trạng thực tế.
Kiểm tra máy, động cơ và chạy thử
Đây là khâu kiểm tra quan trọng nhất. Quan sát két làm mát có đủ nước nước không? Két nước có xuất hiện vết bám trong bình không? Trường hợp xuất hiện những vết bám trong bình sẽ làm nghẹt két nước, gây áp lực lớn lên thành ống, dẫn đến thủng két và rò rỉ nước làm mát. Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra lượng dầu trong bình chứa, độ sạch và độ nhớt.
* Lưu ý khi kiếm tra máy và chạy thử:
– Trước khi khởi động, quay vô lăng hết cỡ sang hai bên để kiểm tra vô lăng có tiếng rít, va đập hay tiếng gõ không.
– Kéo phanh tay lên rồi thử nhấn nhẹ ga, nếu chiếc xe không di chuyển thì phanh tay vẫn hoạt động tốt.
– Lắng nghe xem có tiếng động lạ phát ra từ động cơ không.
– Thử lái xe trên nhiều kiểu địa hình, đảm bảo chân côn hoạt động tốt.
– Sử dụng nhiều cấp số, chú ý vào số có dễ dàng không.
Kiểm tra giấy tờ, số khung xe
Xem kỹ giấy đăng kiểm xe, giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô… Chữ phải thẳng hàng, nét mực đều và được dập chìm, phông chữ đủ độ nét và có chữ ký trực tiếp bằng mực xanh. Giấy tờ giả thường được in hoặc scan nên có mực đen.
Kiểm tra số VIN xe, gồm 17 chữ số và phải trùng với số VIN trên trang web tra cứu. Dựa vào số VIN, bạn có thể xem thông tin xe như năm sản xuất, nhà sản xuất, thương hiệu… Bên cạnh đó, người mua cũng nên kiểm tra phạt nguội xe, lịch sử quá trình sử dụng để xem xe có từng gặp va chạm không.
Tính khấu hao ô tô cũ
Cách tính khấu hao xe cũ được áp dụng phổ biến hiện nay:
- Giá xe đã qua sử dụng: (Dao động từ 7% – 10%) x Giá bán xe lăn bánh x Số năm sử dụng xe
Các chi phí phát sinh khi mua xe cũ gồm thuế trước bạ (khoảng 2% giá trị hiện tại của xe) và chi phí sang tên. Nếu mua xe đúng thời điểm đến hạn thì chủ xe phải chi trả phí đăng kiểm, phí bảo hiểm xe và phí bảo trì đường bộ.
Hải Hồ